Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Ban Quản lý dự án 85, đến nay dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành việc lập hồ sơ, đồng thời đơn vị tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đoạn từ Biên Hòa đến Phú Mỹ, quy mô 4 làn xe với chiều dài 47 km.
Trong đó, đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ (38 km) là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đoạn nối từ Phú Mỹ – quốc lộ 51 (9 km) là đường cấp II, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án dự kiến hơn 7.600 tỷ đồng.
Trước đề xuất này, Bộ Giao thông yêu cầu Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Ban Quản lý dự án 85 rà soát lại toàn bộ dự án; thống nhất thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô 4 làn xe, có xen kẽ bố trí dừng khẩn cấp. Đồng thời, giao 2 đơn vị này làm việc lại với phía tư vấn rà soát lại tổng mức đầu tư, tính toán giảm kinh phí, sớm thành lập Tổ công tác (xem xét lại giải pháp thiết kế, nút giao, tính toán lại mặt đường, phương án giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư, nút giao, công trình cầu…).
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và cũng là khu tập trung các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển (Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải), cảng hàng không (Cảng hàng không quốc tế Long Thành), là đầu mối giao lưu khu vực và quốc tế.
Hiện tại, quốc lộ 51 là tuyến huyết mạch nối TP Biên Hòa (Đồng Nai) với TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và là cửa ngõ thông thương ra biển. Tính toán dự báo cho thấy với quy mô của quốc lộ 51 hiện tại thì đến năm 2020 đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ sẽ có nguy cơ ùn tắc và hạn chế tốc độ lưu thông tại một số vị trí cục bộ. Đối với đoạn Phú Mỹ – Vũng Tàu lưu lương dự báo đến năm 2030 mới đạt khoảng 62.000 lượt xe/ngày đêm và lúc này sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với chiều dài gần 70 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu và được coi là động lực để thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, TP HCM.
Hữu Công