Điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050: Thành phố sinh thái đa chức năng
Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa họp thông qua các phương án điều chỉnh tổng thể lần 2. Theo đó, xu thế phát triển của TP Biên Hòa là sinh thái và kinh tế, mang tính hỗn hợp đa chức năng, tích hợp, chú trọng yếu tố tổ chức giao thông. Nội dung của đồ án nhằm điều chỉnh sự phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng phù hợp với vai trò, tính chất chức năng của TP Biên Hòa trong giai đoạn trước mắt cũng như trong phát triển dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai; quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM và vùng tỉnh Đồng Nai…
TP Biên Hòa có diện tích tự nhiên trên 263,5km2 gồm 23 phường và 7 xã, có quy mô dân số trên 865 nghìn người (năm 2011). Dự báo đến năm 2020 dân số đạt khoảng 1,1 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa 90%, đến năm 2030 đạt khoảng 1,4 triệu người và đô thị hóa 100%. Biên Hòa phát triển trong bối cảnh vùng TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao, vì vậy Biên Hòa cần phát triển trong sự liên hệ gắn kết và cạnh tranh về chất lượng không gian, về hạ tầng xã hội và kỹ thuật nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư từ xây dựng các KCN, KĐTM…
Ông Lý Thành Phương – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: Điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm hình thành vùng đô thị Biên Hòa gồm TP Biên Hòa là đô thị trung tâm, TP Nhơn Trạch là đô thị công nghiệp, Long Thành là đô thị dịch vụ thương mại khoa học, đô thị sân bay, Trảng Bom là đô thị đầu mối kho vận. Biên Hòa phát triển không gian theo cấu trúc chuỗi đô thị trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục QL51 kết nối với đường Đồng Khởi cùng các hướng phát triển không gian chính xuống phía Nam và phạm vi bao gồm 2 khu vực đô thị chính và đô thị vùng ảnh hưởng. Cù lao Hiệp Hòa được bảo tồn với vai trò “lá phổi xanh” của TP, đồng thời phát huy giá trị văn hóa lịch sử cảnh quan thông qua việc hình thành một trung tâm văn hóa cấp vùng (20ha) và tạo hình ảnh mới của “cù lao phố” mang tính biểu tượng của Biên Hòa.
Trong đó, hình thành trung tâm tài chính thương mại cấp vùng khi chuyển đổi chức năng tại KCN Biên Hòa 1. Tầm nhìn đến năm 2050 một phần KCN Biên Hòa 2 sẽ được chuyển đổi chức năng và mở rộng cho trung tâm tài chính thương mại cấp vùng tại Biên Hòa. Khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa sẽ được quy hoạch làm trung tâm hành chính chính trị văn hóa của tỉnh Đồng Nai. Xây dựng trục kết nối mới từ trung tâm hành chính Biên Hòa tại P.Thống Nhất qua trung tâm văn hóa cấp vùng tại Cù lao Hiệp Hòa đến trung tâm tài chính thương mại cấp vùng tại khu chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và kết nối với trục đường mới (song song với QL51) từ khu phát triển hỗn hợp cạnh nhà ga đường sắt Biên Hòa mới tại xã Hóa An đến trung tâm hành chính mới của Đồng Nai tại xã Tam Phước.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam góp ý cho đồ án là cần nghiên cứu với tầm nhìn đến năm 2100 nhằm tăng tính thực thi và tầm nhìn chiến lược dài hạn cho phát triển đô thị. Đồng thời đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Biên Hòa cần làm rõ sự phù hợp với các định hướng phát triển trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam bộ, quy hoạch vùng TP.HCM. Từ đó xác định đặc điểm tính chất vai trò riêng biệt của TP Biên Hòa, xác định các lợi thế cạnh tranh đối với các đô thị lân cận trong vùng và các đô thị khác của Đồng Nai…
Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng đề xuất các hướng nghiên cứu nhằm bổ sung hoàn thiện đồ án quy hoạch như: Làm rõ các định hướng phát triển, tổ chức không gian thiết kế đô thị từng khu vực, các định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm đô thị, hệ thống cây xanh, giao thông thủy, nghĩa trang, chất thải rắn…
Theo quy hoạch, KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị – dịch vụ – thương mại, và là một khu trung tâm lớn có tác dụng là đô thị vệ tinh cho TP.HCM. Cụ thể, năm 2013 – 2014 sẽ xây dựng khu vực phía tây nam và một phần khu vực phía đông bắc, chiếm 17% tổng diện tích. Giai đoạn 2015 – 2018 sẽ xây dựng khu vực phía tây dọc bờ sông Đồng Nai, khu vực trung tâm giáp với trục cảnh quan chính và khu vực phía đông bắc của khu đất quy hoạch, chiếm 48% tổng diện tích. Giai đoạn 2019 – 2022, xây dựng toàn bộ khu vực còn lại. |
Cao Cường