Đường Mỹ Phước – Tân Vạn (Bình Dương)
Với hơn 18 khu công nghiệp có diện tích từ 5.000 – 7.000 ha, đã và đang hình thành tại các khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương (Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo…); đồng thời GDP của tỉnh liên tục tăng trong nhiều năm liền trên 15%, trong đó công nghiệp tăng trên 25% đã dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh về giao thông vận tải của tỉnh Bình Dương sẽ vượt trên 15%/năm, trong đó kể cả số lượng các phương tiện vận tải đường bộ. Bình Dương còn là tỉnh phát triển nhanh về dân số và xã hội, sự tăng nhanh về phát triển công nghiệp đang thúc đẩy quá trình thu hút lao động từ các địa phương khác trong cả nước. Dân số Bình Dương hiện nay khoảng 1,5 triệu người (tính đến 1/4/2009) và dự báo tới năm 2020 sẽ là 1,8-2 triệu người. Do vậy, việc phát triển đường mới Mỹ Phước – Tân Vạn là mạch giao thông chiến lược của tỉnh, xuyên suốt các khu công nghiệp mới với cảng biển (Thị Vải, Cái Mép), cảng container (cảng Đồng Nai, Bình Dương, Quận 9 – thành phố Hồ Chí Minh), và sân bay quốc tế mới (Long Thành) đồng thời góp phần giảm 25% thời gian vận chuyển và 30% chi phí vận chuyển.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy họach phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020” đã xác định đường Mỹ Phước – Tân Vạn là đường giao thông quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh Bình Dương đã giao Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Công Nghiệp nghiên cứu thực hiện dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn.
Điểm đầu từ Khu công nghiệp và Đô thị Mỹ Phước sẽ đi qua các KCN lớn nằm trên 4 huyện và thị xã là: Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao cấp với vận tốc trung bình 100 km/h. Khi hoàn thành sẽ nối với đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông của toàn vùng trọng điểm kinh tế phía nam. Tổng chiều dài suốt tuyến gần 30 km đường chính và 12 km đường gắn với 18 cầu vượt và 4 nút giao thông cắt liên thông để kết nối với bên ngoài.
Hình thức đầu tư: đầu tư xây dựng theo hình thức BOT.
Tổng vốn đầu tư: 3.500 tỷ đồng.
Nhà đầu tư: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV. (BECAMEX IDC CORP.)
Kế hoạch đầu tư:
- Thời gian xây dựng là 4 năm.
- Khởi công vào ngày 7 tháng 8 năm 2009.
- Đưa vào vận hành khai thác: Dự kiến đầu năm 2013
- Thời gian thu phí là 46 năm kể từ khi nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.