Bộ Xây dựng đã khẳng định không hề chủ trì xây dựng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản. Từ sự hẫng hụt của nhiều nhà đầu tư cả tin trên thị trường thì cũng cần đặt vấn đề về trách nhiệm của người phát ngôn và truyền tin sau “sự cố” này.
Thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho thị trường bất động sản được một số cơ quan báo chí cho rằng dẫn từ lời TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra trong một bài nói chuyện của mình tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp” diễn ra mới đây tại TP HCM.
Theo đó, TS Lê Xuân Nghĩa được cho là đã “tiết lộ” gần đây có thông tin Ngân hàng Nhà nước đang tập trung chỉ đạo 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng Xây dựng, do Ngân hàng Xây dựng làm đầu mối, thành lập ra một gói tín dụng có thể lên đến 70.000 tỷ đồng, thậm chí trên 100.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Qua đó nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này trong những năm qua với tình trạng nợ xấu liên tục gia tăng, hàng tồn kho lớn, thanh khoản thị trường còn thấp.
Đây cũng là một trong những chủ trương, giải pháp đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 01 năm 2014 vào đầu tháng 1 vừa qua nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. “Gói 100.000 tỷ đồng sẽ phải khắc phục được những nhược điểm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hiện đang được triển khai. Đồng thời, việc đưa ra gói tín dụng này cũng cần phải cân bằng được lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Tăng thời hạn cho vay (có thể 15 năm); giảm lãi suất tối đa và đặc biệt là giá phải thấp” – thông tin được loan truyền.
Một số cơ quan truyền thông sau đó đã liên kết thông tin gói 100.000 tỷ đồng với việc nghiên cứu Đề án “Ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở”. Tuy nhiên, về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, đồng thời là người phát ngôn của Bộ này, đã chính thức khẳng định Bộ Xây dựng không hề đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án nào với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ông Duy cho biết, trong chương trình xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ trong năm 2014, Chính phủ cũng không giao cho Bộ Xây dựng hoặc Bộ, ngành nào khác nghiên cứu đề án về hỗ trợ thị trường bất động sản với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Sau khi có sự phủ nhận từ phía Bộ Xây dựng, TS Lê Xuân Nghĩa đã đăng đàn khẳng định rằng mình có nói về con số 100.000 tỉ đồng, nhưng không phải là gói hỗ trợ ưu đãi của Chính phủ, do Bộ Xây dựng hay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo.
Ông Nghĩa cho hay, ông chỉ cung cấp thông tin tới đây Ngân hàng Xây dựng và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ liên minh với nhau để xây dựng một gói tín dụng từ 75.000- 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trong chương trình liên minh 4 nhà gồm: ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư. “Đây không phải là gói ưu đãi mà là gói cho vay thương mại, nhưng lãi suất có thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trên thị trường” – ông Nghĩa nói rõ.
Liệu có gói 100.000 tỷ đồng nào dành cho thị trường hay không thì phải chờ thêm thông tin từ “người trong cuộc”, chính là các ngân hàng được nhắc đến. Nhưng dù thế nào, sự việc trên đã thêm một lần nữa cho thấy thông tin về nguồn tài chính cho thị trường bất động sản là rất nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bất kỳ một thông tin nào, dù tích cực hay tiêu cực, được đăng tải trên báo đều tác động trực tiếp đến tâm lý và hành vi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đã có nhiều trường hợp chỉ vì những tin đồn vu vơ mà khiến nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ đồng. Thực tế này đòi hỏi những người có trách nhiệm, trong đó có cả các chuyên gia, phải cẩn trọng hơn trước “mỗi lời ăn tiếng nói” của mình.
Mặt khác, quan sát cảm xúc nhà đầu tư – từ kỳ vọng đến thất vọng theo thông tin về các “gói hỗ trợ” – có thể thấy thị trường bất động sản đang thực sự “khát” một lối ra. Vì vậy, thay vì chỉ “chém gió”, mong rằng sẽ có những giải pháp khả thi và thiết thực được đề xuất.