QUY HOẠCH XÂY DỰNG CHUNG TPHCM ĐẾN NĂM 2025 (chi tiết)
Các hướng phát triển
Hướng phát triển TPHCM đến năm 2025 là gắn kết với các đô thị trong Vùng đô thị thành TPHCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đức Hòa, Bến Lức, Tân An (tỉnh Long An); không phát triển đô thị trong khu 33.000 héc ta của khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn Bình Chánh, Củ Chi.
Cụ thể, ngoài khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố sẽ phát triển mạnh cả bốn hướng. Theo đó, sẽ ưu tiên phát triển bốn hành lang (để tạo động lực cho cả bốn hướng) gồm: hành lang Tây Bắc, dọc quốc lộ 22, liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương); hành lang cửa ngõ phía Đông, dọc tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai); hành lang trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị Tân Kiên, Trung tâm huyện Bình Chánh và hành lang dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ để kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Quy hoạch lần này cũng phân vùng chức năng một cách rõ ràng với khu nội thành cũ, trên cơ sở kết hợp giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa và các công trình kiến trúc có giá trị; tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi công cộng; giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố; di chuyển các xí nghiệp công nghiệp và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Khu nội thành phát triển sẽ phát triển mô hình ở phù hợp cho từng khu vực, đảm bảo sự nối kết giữa khu dân cư hiện hữu với khu dân cư phát triển mới. Ưu tiên phát triển khu dân cư, khu đô thị mới quy mô lớn đồng bộ cả về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hướng Đông – Bắc với hạt nhân khu công nghệ cao, Khu Đại học quốc gia và một số khu chức năng khác, để nghiên cứu hình thành Khu đô thị Khoa học – Công nghệ (bao gồm một phần Thủ Đức, quận 9). Hướng Bắc phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng (bao gồm một phần quận 12 và một phần huyện Hóc Môn). Hướng Tây phát triển một số khu dân cư mới (thuộc quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) gắn với các khu công nghiệp tập trung. Hướng Nam tập trung phát triển khu đô thị mới Nam thành phố theo đúng quy hoạch được phê duyệt và một số khu dân cư mới ở quận 7.
Khu vực ngoại thành trung phát triển hai khu đô thị mới quy mô lớn là khu đô thị Tây – Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè. Ở hướng Bắc thuộc địa bàn Hóc Môn và Củ Chi phát triển thêm một số khu dân cư mới gắn với khu vực thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp tập trung. Ở hướng Tây thuộc Bình Chánh và hướng Nam thuộc Nhà Bè phát triển một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, bảo vệ hệ thống sông rạch. Cương quyết bảo vệ quỹ đất dự trữ; đất nông nghiệp và cấm xây dựng tại những khu vực dự trữ sinh quyển; rừng đặc dụng, phòng hộ…
Ngoài ra, quy hoạch đến năm 2025 còn bố trí diện tích đất đủ cho khoảng 50 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp với diện tích khoảng 9.000 ha (20 khu công nghiệp tập trung và 30 cụm công nghiệp địa phương). Tại các khu công nghiệp mở rộng và hình thành mới, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp công nghệ cao.
Các trung tâm đô thị mới
Cấu trúc đô thị tương lai của TPHCM chủ yếu bao gồm khu lõi trung tâm thành phố và các trung tâm mới ở ngoại thành.
Trung tâm chính của thành phố bao gồm trung tâm hiện hữu (quận 1, 3, 4, 5 và một phần Bình Thạnh) và khu vực mở rộng của khu vực này gồm cả Thủ Thiêm và Nam Sài Gòn. Các trung tâm khu vực theo bốn hướng gồm: Ở phía Đông là khu vực dọc trục đường Hà Nội thuộc địa bàn quận 9; ở phía Bắc thuộc khu đô thị mới Tây – Bắc; ở phía Tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên huyện Bình Chánh; ở phía Nam thuộc khu A đô thị mới Nam Thành phố. Trung tâm khu vực ở phía Đông xác định vị trí tại phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Các trung tâm chuyên ngành có trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học thì ngoài khu Đại học quốc gia đã bố trí tại Thủ Đức; bố trí thêm ở các khu vực phía Nam thuộc quận 7, huyện Nhà Bè; ở phía Tây thuộc huyện Bình Chánh; ở phía Đông tại quận 9; ở phía Bắc tại huyện Củ Chi. Các bệnh viên theo mô hình Viện – Trường và các trung tâm nghiên cứu kết hợp thực nghiệm y – dược: được bố trí tại 4 cửa ngõ, khu vực phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức); khu vực phía Tây (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh); khu vực phía Nam (quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ); khu vực phía Bắc (quận 12, Hóc Môn, Củ Chi).
Công trình phúc lợi công cộng (giáo dục, y tế, văn hoá, cây xanh, …); cơ quan hành chính quản lý Nhà nước sẽ được bố trí gắn với các trung tâm khu vực. Các khu công viên cây xanh như Khu lịch sử – văn hoá – dân tộc bố trí tại phía Bắc quận 9; Thảo cầm viên, vườn thú bố trí tại huyện Củ Chi; Trung tâm thể dục thể thao bố trí tại Rạch Chiếc, quận 2; Trung tâm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bố trí gắn với sông rạch hồ nước, không gian xanh ở địa bàn huyện Cần Giờ, Hóc Môn.
Hình thành trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Kéo dài từ địa bàn huyện Củ Chi tới huyện Cần Giờ, nhiều đoạn, nhiều điểm có chiều rộng lớn và không bị hạn chế với chiều rộng quy định là 50 mét. Hình thành thêm 3 tuyến vành đai xanh kết hợp với đất nông nghiệp, đất dự trữ tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu vực huyện Hóc Môn, phía Tây thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thuộc huyện Nhà Bè. Hình thành mạng lưới cây xanh đô thị dọc theo các trục đường cao tốc tạo cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.
Tại các khu vực phát triển khu đô thị, khu dân cư mới thuộc địa bàn quận 2, 9, 12 và năm huyện ngoại thành lưu ý đặc biệt những khu vực có nhiều sông rạch, cảnh quan thiên nhiên phải tuyệt đối giữ gìn và kết hợp với việc tăng thêm khoảng xanh nhằm tạo cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.
Hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
Giao thông đường bộ sẽ xây 4 đường vành đai, với tổng chiều dài trong phạm vi ranh M khoảng 168km; hoàn chỉnh 6 tuyến hướng tâm đối ngoại và xây dựng các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn, 4 tuyến đường trên cao; xây mới 19 cầu và 2 hầm vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn. Xây dựng các bến xe tải chuyển tiếp hàng hóa ở cửa ngõ ra vào thành phố. Xây dựng các bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại tại trung tâm thành phố (khoảng 8 -9 bãi) và các bãi khác tại các quận nội thành (khoảng 22 bãi).
Giao thông đường sắt thì cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn Trảng Bom – Bình Triệu, xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đi Biên Hoà và Lộc Ninh; 2 tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới các Cảng Hiệp Phước và Cát Lái; tuyến đường sắt đôi điện khí hoá cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang. Xây dựng mới ga trong khu đầu mối đường sắt, tổng cộng 13 ga.
Đường sắt đô thị sẽ được quy hoạch kết hợp sử dụng các tuyến đường sắt quốc gia cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ: Trảng Bàng – Tân Thới Hiệp, Thủ Thiêm – Nhơn Trạch – Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sử dụng chung ga Thủ Thiêm và ga Tân Thới Hiệp của đường sắt quốc gia. Hệ thống tàu điện ngầm (Metro) cũng sẽ xây dựng 6 tuyến xuyên tâm và vành khuyên. Hệ thống xe điện trên mặt đất (monoray) nhất thiết phải được đầu tư.
Giao thông thủy sẽ được cải tạo, nạo vét để đảm bảo lưu thông cho hai luồng sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp ra biển; bốn luồng sông đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; một luồng đi Bến Súc, đảm bảo đạt tiêu chuẩn sông cấp III. Sẽ di dời cảng Tân cảng, Ba Son, Nhà Rồng, Khánh Hội Tân Thuận Đông và cảng rau quả. Đồng thời đầu tư xây dựng phát triển khu cảng Cát Lái, khu Hiệp Phước. Tổng công suất cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100 triệu tấn/năm.
Hệ thống đường không thì cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực; cải tạo, nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm. Phát triển kết cấu hạ tầng cho sân bay đủ khả năng tiếp nhận các máy bay hiện đại hoạt động 24/24 giờ. Nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng sân bay Long Thành ngay trong giai đoạn năm 2010.
Ngoài ra, cấp nước sẽ được bổ sung thêm nguồn nước từ hồ Trị An, để đảm bảo cung cấp 4,3 triệu m3/ngày cho thành phố; xây dựng hai nhà máy nước tại quận 9 và Trung Lập Hạ, Củ Chi. Mở rộng khu vực cấp nước cho các khu phía Đông, phía Tây và phía Nam của Thành phố. Các vấn đề khác như cấp điện, xử lý nước thải bẩn, nước thải công nghiệp và cả câu chuyện về nghĩa trang cũng được nhóm nghiên cứu đề xuất đưa vào quy hoạch đến năm 2025 rất chi tiết.
Đá Bàn
DOWNLOAD : QUY HOẠCH XÂY DỰNG CHUNG TPHCM ĐẾN NĂM 2025 (chi tiết)
- XEM THÊM : Quyết định số 589/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
- New ! Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bắc Sài Gòn
-
KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ TP.HỒ CHÍ MINH TẦM NHÌN 2025