Chi phí đào tạo tốn kém, lên tới 180 tỷ đồng trong 4 năm gần đây, là lý do khiến Công ty Kỹ thuật hàng không (VAECO) đưa ra yêu cầu bồi thường nghỉ việc , theo Phó Tổng giám đốc Hoàng Đăng Toàn.
Mới đây Công ty Kỹ thuật hàng không (VAECO), một công ty con của Vietnam Airlines ban hành hợp đồng lao động mới – trong đó có điều khoản nhân viên phải bồi thường hàng trăm đến cả tỷ đồng nếu nghỉ việc. VnExpress.net đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đăng Toàn, Phó Tổng giám đốc VAECO về sự việc trên.
– Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân của bản hợp đồng khiến nhân viên của VAECO gửi đơn kêu cứu đến báo giới?
– Xuất phát điểm của bản hợp đồng đào tạo lần này là có những thay đổi trong Bộ luật lao động mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, cụ thể là tại điều 62 về Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề. Từ căn cứ đó, lãnh đạo công ty có chủ trương hoàn thiện lại các hợp đồng lao động theo đúng quy định của luật.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số người đã nảy sinh băn khoăn, vướng mắc về nội dung bản hợp đồng. Tôi khẳng định VAECO đang có môi trường làm việc tốt và sau khi được giải thích, số lượng anh em còn băn khoăn với một số nội dung bản hợp đồng là không nhiều.
Việc ký hợp đồng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan và đúng theo các quy định hiện hành nên hoàn toàn không có sự ép buộc nào. Ở công ty chúng tôi, mọi người đều được tạo điều kiện làm việc tốt, hoàn toàn không khi nào có chuyện ai không ký thì bị liệt vào danh sách đen hay ép buộc.
– Căn cứ nào để công ty đưa ra con số chi phí đào tạo và các mức chi phí bồi thường như trong quyết định?
– Trước hết, phải nói rằng chi phí đào tạo chiếm một tỷ trọng tương đối cao trong hoạt động của công ty. Lấy ví dụ, trong 4 năm tính đến 2012, chúng tôi tốn 180 tỷ đồng cho chi phí huấn luyện, đào tạo nhân viên. Mà đó chỉ là số tiền công ty bỏ ra thuê người đào tạo, chưa tính đến những chi phí khác như cơ sở vật chất…
Tất cả các con số trong hợp đồng đều có căn cứ cụ thể, do phòng kế toán tính toán phù hợp với quy định hiện hành. Phần chi phí cho bất kỳ khóa học nào cũng chỉ được tính một lần.
Trên thực tế, việc ký hợp đồng đào tạo với người lao động đã được Vietnam Airlines thực hiện từ những năm 2000. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi chủ yếu chỉ mới thực hiện với một số khóa học có chi phí cao.
Hoạt động tại công ty kỹ thuật máy bay VAECO vẫn diễn ra bình thường sau khi một số nhân viên gửi đơn “kêu cứu” đến báo giới. Ảnh: Thanh Bình |
– Các khóa học và quy trình để VAECO đào tạo ra một kỹ thuật viên máy bay như thế nào?
– Để đào tạo một sinh viên kỹ thuật mới ra trường thành kỹ thuật viên máy bay (CRS) có chứng chỉ CRS level A thông thường cần ít nhất 3 năm.
Trước hết, sau khi tuyển dụng, chúng tôi sẽ đưa nhân viên đi đào tạo 13 tháng học cơ bản và 12 tháng làm việc trong vai trò tập sự. Sau đó họ được thi lấy chứng chỉ hành nghề của Cục Hàng không. Với chứng chỉ này, nhân viên được phép làm những việc thuộc về thao tác kỹ thuật.
Sau đó họ được học 2 đến 3 tháng về kiểu loại máy bay, cụ thể là học về một loại máy bay nào đó như ATR, Boeing… Thời gian tiếp theo họ sẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao, khi đủ điều kiện sẽ được phép nộp đơn thi chứng chỉ nhân viên kỹ thuật máy bay Mức A hạn chế. Có người thi được ngay nhưng thường tỷ lệ trượt cao hơn tỷ lệ đỗ trong lần thi đầu tiên.
Sau đó, nhân viên mất thêm từ 6 tháng đến một năm mới có thể thi để trở thành Level A đầy đủ. Còn từ nhân viên mức A lên mức B hạn chế thì phải mất thêm 4 đến 5 năm. Đến khi đạt trình độ B toàn phần họ mới gần như làm chủ hoàn toàn về kỹ thuật máy bay theo một chuyên ngành. Ngoài mức B1, B2 như trên còn có mức C.
Trong suốt quá trình học này, học viên không mất một đồng nào, thậm chí có lương, phụ cấp. Học viên từ TP HCM ra học, hoặc sang nước ngoài học, đều có lương và tiền vé máy bay, ăn ở. Ngoài ra, trong suốt quá trình trên, các nhân viên được học tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật.
– Trong khi mức bồi thường nghỉ việc lên đến cả tỷ đồng, nhân viên của VAECO cho rằng lương của công ty thấp, không thỏa đáng. Ông nhận xét như thế nào về việc này?
– Trên thực tế, tổng thu nhập của anh em kỹ thuật ở công ty chúng tôi không phải là thấp. Trong bức thư này nói thu nhập dao động từ 7,5 đến 21 triệu đồng. Đúng là mức thu nhập thấp nhất ở đây là khoảng 7,5 triệu đồng, nhưng 21 triệu đồng chưa phải cao nhất. Có người được trả 39 triệu đồng một tháng hồi 2011.
Chúng tôi là công ty Nhà nước thì tiền lương phải thực hiện theo đúng chế độ, tuy nhiên tôi cho rằng mức lương này cũng là thỏa đáng. Bên cạnh đó, nỗ lực của lãnh đạo công ty là tìm mọi cơ hội để không ngừng cải thiện mức đãi ngộ cho cán bộ, công nhân viên.
Lãnh đạo công ty chúng tôi vẫn luôn tin vào sự gắn bó của cán bộ công nhân viên, tin rằng làm việc ở đây ngoài vấn đề thu nhập, còn có sự ổn định, cơ hội thăng tiến rất lớn tại một công ty con của Vietnam Airlines.
Thanh Bình
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net