Từ khi thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn, bĩ cực cũng là lúc nhiều đại gia bất động sản rơi vào vòng lao lý…
Huy động hơn 100 tỷ đồng nhưng dự án bỏ không
Cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội đã bị cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an thực hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn – khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng.
Dự án B5 Cầu Diễn là dự án liên danh giữa 2 đơn vị là công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (gọi tắt là Cty phát triển HN) và công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing (Housing Group).
Thời điểm năm 2009-2010, ông Nguyễn Văn Tuẫn là Tổng giám đốc đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Housing Group để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn. Trong đó, tỷ lệ góp vốn Cty phát triển HN là quyền sử dụng đất chiếm 40%, Housing Group là 60% góp bằng tiền mặt để thực hiện dự án.
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn vẫn là bãi cỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Lê
Căn cứ vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Housing Group, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên, số tiền trên đã không được dùng để thực hiện dự án khi mà cho đến nay, sau gần 3 năm huy động vốn, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc xanh um.
Song, không chỉ có ông Tuẫn huy động vốn mà bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Housing Group cũng đã huy động vốn của vài trăm khách hàng cùng thời điểm trên với số tiền từ 30-40% giá trị căn hộ nhưng không triển khai. Lo ngại mất tiền mà nhà không xây được, nhiều khách hàng đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Chủ tịch Vina Megastar bị bắt để lại món nợ hàng trăm tỷ đồng
Giữa tháng 5/2013, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar bị Cơ quan CSĐT bắt giam với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị 29,5 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận, nhất là với hàng chục ngàn khách hàng đã từng góp vốn, hợp tác mua các dự án nhà ở do Megastar làm chủ đầu tư.
Dự án 409 Lĩnh Nam, một trong chuỗi dự án của Megastar đều chưa được làm gì.
Megastar từng nổi danh bởi doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội trong đó có dự án Hesco Văn Quán và Vĩnh Hưng Dominium (Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng), dự án C2 Xuân Đỉnh (Tây Hồ Tây, Hà Nội), tổ hợp chung cư 254 Thụy Khuê, Khu đô thị mới Hữu Hòa, Hà Nội….
Tuy nhiên, hầu hết các dự án của Megastar đều chưa được triển khai sau khi đã huy động vốn. Lo ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, từ cuối năm 2011, rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã tập trung thành nhóm để tìm cách đòi lại vốn mình đã góp vào dự án, nhưng gần như rất khó thực hiện. Cho đến thời điểm này, khi ông Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt khoảng 6 tháng, số phận của dự án, hàng trăm khách hàng vẫn chưa có lối thoát.
Kenagnam phi vụ chuyển giá “khét tiếng”
Dàn xếp nội bộ, nâng giá khống đầu vào, đại gia kinh doanh BĐS Hàn Quốc Keangnam Vina đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế ngay từ cuối năm 2012. Từ đây, những mánh lới chuyển giá đã lần lượt được phơi bày.
Sau 5 năm vào Việt Nam, báo lỗ liên tục, đại gia bất động sản Hàn Quốc, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam – Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.
Với tổng giá trị bị điều chỉnh 1.220 tỷ đồng, toàn bộ số lỗ mà Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina, 100% vốn Hàn Quốc khai báo phát sinh 2007-2011 đã hiển nhiên giảm hết. Đại gia này bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 95,2 tỷ đồng.
16 năm tù vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Ngày 28/6/2013, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Chu Ngọc 16 năm tù giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Chu Ngọc được biết đến như một đại gia kinh doanh nhà hàng, bất động sản khét tiếng ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong thời gian từ tháng 12/2009 đến tháng 1/2011, Ngọc đã chỉ đạo cho thuộc cấp ở công ty lập hồ sơ vay của ngân hàng Eximbank Vinh 15,6 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Tĩnh. Trong số này, có 2 sổ đỏ được Ngọc làm giả để đi vay tiền.
Tháng 9/2011, khi vỡ bong bóng bất động sản ở thành phố Vinh, Ngọc cũng vỡ nợ và bỏ trốn ra Hà Nội. Cuối tháng đó, Ngọc bị cảnh sát bắt.
Trên đây chỉ là 3 trường hợp trong số vô vàn những trường hợp chủ đầu tư dự án và khách hàng “cơm không lành, canh không ngọt”. Trên thị trường này hiện còn rất nhiều các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài trải từ Bắc tới Nam, khắp các tỉnh thành trên cả nước chưa được giải quyết.
Với những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản hiện nay thì việc các chủ đầu tư làm ăn thất bát, phá sản hoàn toàn có thể xảy ra. Câu chuyện sẽ có thêm đại gia bất động sản vướng vào vòng lao lý khó có thể nói trước, thế nhưng người thiệt hại nặng nề nhất khi chủ đầu tư đứng bên bờ vực phá sản lại chính là người mua nhà. Đây có lẽ sẽ là bài học lớn cho những người mua nhà, nhất là những dự án mới chỉ hình thành trên giấy, để tránh ăn phải trái đắng.
Nguồn bài viết: Báo NgoiSao.VN