Sức cầu chưa hồi phục, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại giảm sút, các đại gia bán lẻ vẫn liên tiếp mở rộng mạng lưới đặc biệt vào dịp cuối năm.
Ocean Retail – thuộc Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cuối tuần qua công bố khai trương thêm một trung tâm thương mại và một siêu thị tại hai quận của Hà Nội. Một siêu thị mang thương hiệu này tại Hà Tĩnh cũng chuẩn bị đi vào hoạt động từ đầu năm 2014.
Ông Kim Duck Ho – Tổng giám đốc Ocean Retail cho biết, dự kiến trong năm 2014 sẽ mở thêm khoảng 20 siêu thị tại TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng , Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nội…
Gần đây, Saigon Co.op cũng khai trương thêm siêu thị thứ 2 tại quận Hoàng Mai với vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Ở Bà Rịa – Vùng Tàu, đơn vị này đầu tư hơn 80 tỷ đồng để mở siêu thị thứ 2 với tổng diện tích trên 6.000m2.
Các trung tâm thương mại, siêu thị đua nhau khai trương vào dịp cuối năm. Ảnh: Parkson |
Cuộc đua mở rộng mạng lưới còn quyết liệt hơn trong khối ngoại. Lotte Mart, đại gia đến từ Hàn Quốc đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị khai trương một siêu thị tại quận Đống Đa và dự kiến mở thêm một trung tâm thương mại vào giữa năm sau tại quận Ba Đình.
Tại TP HCM, Parkson vừa đầu tư 8 triệu USD để mở trung tâm mua sắm thứ 9 của mình tại Việt Nam với tên gọi Parkson Cantavil. Đây được xem là chuỗi trung tâm thương mại cao cấp với số lượng lớn nhất hiện nay trên cả nước.
Theo kế hoạch, ngày đầu tiên của năm mới 2014, tập đoàn bán lẻ lớn thứ 4 thế giới là Aeon, đến từ Nhật Bản, sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP HCM với vốn đầu tư được tiết lộ là 100 triệu USD. Trong 2 năm tiếp theo, Aeon dự định sẽ nâng số siêu thị tại đây và mở rộng ra Hà Nội, Bình Dương. Trước đó, hồi tháng 4/2013, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 10 năm. Các đại gia khác như Big C, Metro… cũng liên tục mở rộng quy mô.
Ông Tham Tuck Choy – Tổng giám đốc Parkson Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ năm qua tuy không khả quan nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong lĩnh vực này. Việt Nam có dân số trẻ và là một thị trường phát triển đầy tiềm năng.
Năm qua, Parkson vẫn đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng trong năm qua. Ông Choy cho biết chiến lược của Parkson là mở 1-2 trung tâm thương mại mỗi năm tại hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam. Parkson vẫn đang tìm kiếm và làm việc với nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn để thực hiện mục tiêu mở thêm nhiều trung tâm thương mại tại các thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng, Biên Hòa, Vũng Tàu, Cần Thơ…
Lãnh đạo Ocean Retail nhận định thời điểm này đang rất thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới vì mặt bằng bán lẻ đang dồi dào nguồn cung. Tuy nhiên, theo ông Kim Duck Ho, nhiều dự án bất động sản có thiết kế không thực sự phù hợp cho các khu bán lẻ.
“Hơn nữa, việc quy hoạch bán lẻ tại các thành phố lớn chưa thực sự tốt. Một số khu đô thị có quá nhiều mặt siêu thị, trung tâm. Trong khi có những khu vực trung tâm vẫn thì còn thiếu”, vị này nhận định.
Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị, Việt Nam vốn được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng đối với các nhà bán lẻ vì dân số đông, tới hơn 90 triệu người. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
“Kinh tế khó khăn, sức mua kém, việc tiếp cận vốn không dễ dàng và không thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn là những khó khăn trước mắt có thể nhìn thấy của các doanh nghiệp trong ngành này”, chuyên gia nhận định. Ông Phú cũng cho rằng, việc xuất hiện các tên tuổi mới, đặc biệt là các đại gia nước ngoài càng khiến cuộc chiến trên thị trường này trở nên khốc liệt hơn.
Đại diện Ocean Mart cũng thừa nhận sau một năm gia nhập thị trường, đơn vị này cũng gặp những khó khăn vì chịu những tác động nhất định của thị trường bán lẻ nói chung khi sức mua suy giảm, đội ngũ nhân sự mới thành lập…
Về việc một số đơn vị ồ ạt khai trương siêu thị, trung tâm mua sắm vào thời điểm cuối năm, theo ông Phú là để đón làn sóng mua sắm cuối năm của người dân. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo việc đầu tư cần có chiến lược và nghiên cứu thị trường rõ ràng trước khi quyết định tham gia thị trường, chứ không phải chuyện làm theo phong trào nhất thời.
Theo báo cáo của CBRE, trong quý III, ở Hà Nội, các trung tâm thương mại có 519 cửa hàng mở mới trong khi có 220 cửa hàng đóng cửa. Khách thuê cũng chuyển từ các dự án đóng cửa tới các trung tâm thương mại mới mở. Trong đó, ngành ẩm thực là nhóm ngành mở mới nhiều nhất. Còn ở thị trường TP HCM, theo Savills Việt Nam, doanh thu bán lẻ 9 tháng đầu năm 2013 vào khoảng 441.000 tỷ đồng. Nếu không tính lạm phát, doanh thu bán lẻ tăng khoảng 8.7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tăng này cao hơn so với năm 2012 (8.2%) và 2011 (8.1%). Tuy nhiên, sự phục hồi trong chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ và không thiết yếu còn chậm. Savills cũng cho rằng, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ ở những trung tâm mua sắm chất lượng cao sẽ tiếp tục thấp trong những quý tới. Trong khi đó, những trung tâm từ thấp tới trung cấp hoặc siêu thị vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng. |
Ngọc Tuyên
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net