Sự thật về công ty Thiên Ngọc Minh Uy – Công ty bán hàng đa cấp
Thiên Ngọc Minh Uy và quái chiêu “trói” tiền của khách hàng
Để trở thành chuyên viên kinh doanh (CVKD) được tham dự chương trình khuyến mãi cực “khủng” của Thiên Ngọc Minh Uy, khách hàng buộc phải bỏ ra 7 triệu đồng mua sản phẩm máy lọc nước Ozone. Tuy nhiên, đó chính là nút trói để công ty này cột chặt tiền của khách hàng.
Tuy nhiên, bằng chương trình khuyến mãi kỳ lạ mang cái tên rất kêu “Long phụng hòa ca”, Thiên Ngọc Minh Uy nhằm “đánh tráo” cách hiểu về quy định này và không cho người tham gia trả lại hàng.
Nút trói khuyến mãi của Thiên Ngọc Minh Uy
Quy trình để một khách hàng chính thức trở thành CVKD của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là khách hàng đó phải ký một bản Hợp đồng bán hàng đa cấp với công ty này. Về bản chất, CVKD sẽ trở thành người đi bán các sản phẩm mà Thiên Ngọc Minh Uy được phép phân phối theo đăng ký kinh doanh.
Khi CVKD bỏ tiền mua sản phẩm, Thiên Ngọc Minh Uy lập tức dùng dấu đỏ đóng dòng chữ “Long Phụng Hoà Ca” vào Hợp đồng bán hàng đa cấp vừa ký giữa 2 bên. Trong điều IV của bản hợp đồng này lại có điều khoản “đối với những hàng hóa mua vào thời điểm khuyến mãi hoặc những chương trình mang tính kích cầu sẽ không được đổi – trả theo quy định trên”.
Và đồng thời, trong đơn đặt hàng máy lọc nước Ozone của khách hàng vừa mua tiếp tục được Thiên Ngọc Minh Uy đóng dấu “Tham gia hoạt động không trả hàng”. Khi mọi quy trình này hoàn tất, khách hàng đã bị “trói” chặt, buộc phải “chạy đua” lôi kéo những người khác đến mua hàng để mong nhận được phẩn thưởng như khuyến mại của Thiên Ngọc Minh Uy đưa ra hoặc chịu nuốt “cục đắng” mất tiền dù trong hợp đồng, CVKD được quyền trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày và khách hàng là người tiêu dùng trực tiếp được trả lại hàng sau 5 ngày đã mua.
Lách luật hay phạm luật?
Đây là một “luật chơi” mà Thiên Ngọc Minh Uy tự soạn ra ép buộc khách hàng tuân theo, vi phạm Nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, chiểu theo quy định của pháp luật thì chương trình khuyến mãi này có nhiều dấu hiệu lập lờ để lách luật. Cụ thể, tại khoản 4 điều 11 Nghị định 110 có nội dung: Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ không phải mua lại một số sản phẩm đã bán cho khách hàng gồm “hàng hoá khi trả lại đã hết hạn sử dụng, hàng hoá theo mùa hoặc hàng hoá dùng để khuyến mại”.
Thiên Ngọc Minh Uy tự quy định hàng hóa mua vào thời điểm khuyến mãi hoặc những chương trình mang tính kích cầu sẽ không được đổi trả.
Tuy nhiên, chiểu theo quy định của pháp luật thì chương trình khuyến mãi này có nhiều dấu hiệu lập lờ để lách luật. Cụ thể, tại khoản 4 điều 11 Nghị định 110 có nội dung: Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ không phải mua lại một số sản phẩm đã bán cho khách hàng gồm “hàng hoá khi trả lại đã hết hạn sử dụng, hàng hoá theo mùa hoặc hàng hoá dùng để khuyến mại“.
Hàng hoá mua vào thời điểm khuyến mãi và hàng hoá dùng để khuyến mại là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng đã được Thiên Ngọc Minh Uy đánh tráo khái niệm tinh vi.
Trong trường hợp này, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy bán máy lọc nước Ozone chỉ để làm tiêu chuẩn đảm bảo cho những khách hàng được tham gia chương trình khuyến mãi “Long phụng hoà ca” chứ bản thân máy lọc nước này hoàn toàn không phải là sản phẩm công ty Thiên Ngọc Minh Uy dùng để khuyến mại cho khách hàng (theo Luật Thương mại 2005, hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng).
Và ngay cả nếu như Thiên Ngọc Minh Uy có hình thức khuyến mại“Long phụng hoà ca” thì với nội dung lạ đời đang tồn tại, “Long phụng hoà ca” cũng khó thuộc một hình thức khuyến mại nào trong 8 hình thức được liệt kê tại Luật Thương mại 2005.
Chính vì vậy, cái gọi là chương trình khuyến mãi “Long phụng hòa ca” cùng với những quy định mà Thiên Ngọc Minh Uy tự vẽ ra trong hợp đồng không thể làm thay đổi bản chất của một hợp đồng mua bán hàng đa cấp, là người tham gia có thể trả lại hàng trong vòng 30 ngày và DN bán hàng đa cấp phải mua lại với mức giá không ít hơn 90% giá ban đầu.
* Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này
Anh Thế
Tham gia Thiên Ngọc Minh Uy: Người tự tử, người lao đao nợ nần
Nhiều người nhẹ dạ cả tin nên sa chân vào Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy để rồi người trầm cảm tìm đến chết, người thì lao đao vì nợ nần…
Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (Công ty TNMU) hoạt động trên khắp các địa bàn cả nước: Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM… chủ yếu là những tỉnh thành lớn.
Cơn bão đa cấp này đã và đang hoành hành ở nhiều địa phương, người dân ở nhiều vùng quê đã bỏ ra không ít tiền đầu tư vào một mô hình kinh doanh được quảng cáo hái ra tiền. Lợi nhuận thu về tăng theo cấp số nhân.
Nhưng giấc mộng làm giàu nhanh chóng vỡ tan khi những người dân vay mượn cả trăm, thậm chí là tỷ bạc để đầu tư vào đa cấp để rồi dẫn đến những bi kịch đau lòng như tìm đến cái chết, gia đình lao đao vì nợ nần, đã nghèo lại nghèo thêm…
Điển hình là trường hợp bà Nguyễn Thị D. (quê ở Hà Tĩnh) đã phải tự tử sau khi tham gia đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Ông Nguyễn Hữu An (chồng bà D.) cho biết, bà D. tham gia mạng lưới đa cấp của Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy và đóng vào đó 170 triệu đồng.
Ông An còn cho biết thêm, ban đầu, nhận được tiền hoa hồng và thù lao, thậm chí còn được công ty đa cấp cho đi du lịch nước ngoài nên bà D. thích thú, tin tưởng. Sau đó, bà còn cắm cả sổ đỏ của gia đình để tiếp tục đóng tiền vào mạng lưới bán hàng đa cấp 500 triệu để tiếp tục đầu tư.
Sau đó, vì không biết lấy tiền đâu trả nợ số tiền khổng lồ đó, bà D. tự tử để được giải thoát.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị V. (Hương Khê, Hà Tĩnh) nuôi 3 con nhỏ, làm nghề bán rau, thu nhập bấp bênh 60.000 – 70.000 đồng/ngày nên gia cảnh khó khăn. Nghe lời mời gọi hấp dẫn của người quen, chị đã gom góp tất cả 5 triệu tiền dành dụm của gia đình, vay mượn thêm hơn 5 triệu nữa và giấu gia đình mua một gói sản phẩm trong đường dây bán hàng đa cấp.
Khi mua xong, nghe nhiều người phân tích rủi ro không lấy lại được tiền, lại nơm nớp lo gia đình biết, chị tìm lại người quen rủ tham gia để đòi tiền nhưng không được.
May mắn hơn hai trường hợp trên, bà Nguyễn Thị N. (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, bà cũng tham gia Công ty Thiên Ngọc Minh Uy với tổng số tiền mua hàng trị giá 107 triệu đồng nhưng đòi lại được gần hết.
Theo bà N., đầu tháng 3/2015, bà tham gia bán hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy (có trụ sở tại TP. Hà Tĩnh) với 10 phiếu mua hàng trị giá 107 triệu đồng.
Sau khi mua hàng, bà N. không cần phải bán hàng hay mang sản phẩm về nhà. Công việc duy nhất của bà N. đó là giới thiệu người đến công ty để tiếp tục tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, do thấy nghi ngờ nên bà N. bắt đầu tìm hiểu và nhận ra rằng, không thể có chuyện tiền tự nhiên đến mà không cần phải làm việc. “Cùng với những điều chưa rõ ràng trong bản hợp đồng đã ký nên tôi đến công ty xin hủy hợp đồng. Với sự giúp sức của người quen, tôi đã nhận lại được 98.970.000 đồng, do bị trừ 10% cho các phiếu đặt hàng”, bà N. chia sẻ.
(Theo Báo Pháp luật & Xã hội)