10 quốc gia giao thông nguy hiểm nhất thế giới
Hàn Quốc, Nga hay Ai Cập là những đất nước có tình trạng giao thông nguy hiểm nhất trên thế giới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lộn xộn, sự nguy hiểm khi tham gia giao thông. Không chỉ đơn thuần do số lượng phương tiện đông đúc mà còn do thời tiết, văn hóa, tình trạng kinh tế ở mỗi quốc gia này. Complex đưa ra danh sách 10 nước nguy hiểm nhất về giao thông tính trên các tai nạn do xe hơi, không tính do xe máy. Thứ tự mang tính ngẫu nhiên.
10. Hàn Quốc
Hàng năm quốc gia này cứ một triệu người thì có khoảng 127 người chết do tai nạn xe hơi. Năm ngoái xứ kim chi có khoảng 5.500 vụ tai nạn ôtô. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở đây là do văn hóa. Ở Hàn Quốc, dễ dàng gặp một lái xe vượt đèn đỏ nếu tài xế cảm thấy ngã tư phía trước an toàn. Nhiều người đã chuyển sang đi bộ và xe đạp vì chứng kiến nhiều tai nạn.
9. Hungary
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 123 trên mỗi triệu. Hầu hết người dân Hungary lái xe rất nguy hiểm, bất chấp tính mạng khi thường xuyên vượt tốc độ tối đa cho phép. Chính phủ nước này thậm chí đã phải đặt những luật lệ hà khắc như gây ra tai nạn xe hơi ngồi tù 5 năm nhưng kết quả không thay đổi nhiều.
8. Thổ Nhĩ Kỳ
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 68 người trong một triệu. Giao thông ở Thổ Nhĩ Kỳ lộn xộn và nguy hiểm đến mức Cục Liên bang Mỹ ban hành một văn bản lái xe an toàn cho người Mỹ khi qua đất nước này với những trường hợp điển hình như bất ngờ dừng xe, rẽ không xi-nhan, xe tải đỗ trên đường cao tốc trong đêm nhưng không bật đèn cảnh báo, người đi ngược chiều sử dụng đèn pha không đúng cách…
7. Ba Lan
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 147 trên mỗi triệu. Năm 2011 chứng kiến khoảng 4.200 trường hợp tai nạn do xe hơi. Ba Lan đã phải tăng cường thêm cảnh sát, các cảnh báo đường và thậm chí cả linh mục để điều tiết giao thông nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao ngất ngưởng. Hàng năm đất nước Trung Âu tốn mất khoảng 6,5 tỷ USD do các vụ tai nạn.
6. Nga
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 939 trên mỗi triệu. Con số 939 người chết trên một triệu dân số vượt xa các nước phái trên. Đất nước này nổi tiếng với cảnh sát giao thông tham nhũng, tống tiền, hối lộ. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt có tuyết rơi nhiều cũng là một nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn.
5. Nigeria
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 4/100.000. Đất nước châu Phi thường xuyên chứng kiến cảnh các xe taxi vượt mặt khi bị cảnh sát chặn lại. Văn hóa lái xe ở đây là sự thiếu kiên nhẫn, biểu hiện bằng những tiếng còi xe. Giới hạn tốc độ, chỉ dẫn giao thông chỉ mang ý nghĩa “gợi ý” chứ ít ai tuân theo. Thậm chí nếu bị bắt cũng nhanh chóng được thả đi khi hối lộ ít tiền.
4. Libya
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 37/100.000. Tai nạn giao thông đứng thứ ba trong các nguyên nhân dẫn tới tử vong nhiều nhất cho người dân Libya. Nhưng điều này mới chỉ xảy ra kể từ sau cuộc nội chiến, trước đó Libya vẫn là một nước có điều kiện giao thông khá an toàn.
3. UAE
Các tiểu vương quốc Ả Rập tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông 40,5/100.000. Theo một thống kê, tại đây cứ 4/10 người lái xe có một trẻ nhỏ trong lòng, ít hơn 80% lái xe thắt dây an toàn, con số này ở hàng ghế sau chỉ là 15 %. Ở đây nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn là quá tốc độ, trong đó phần lớn do người dân đã “nhờn” với chính phủ. Họ quen với việc chính phủ là bộ máy mang lại tiền của xa hoa, chứ không quen với hình ảnh pháp chế.
2. Ai Cập
Tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông: 41,6/100.000. Cairo được coi là thành phố lái xe khó khăn nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia không chấp nhận bằng lái xe của Ai Cập, một số lỗi như đi xe ban đêm không bật đèn, đi vào đường một chiều, động vật thả rông trên đường, đèn giao thông không hoạt động.
1. Eritrea
Quốc gia châu Phi có tỷ lệ người chết do tại nạn giao thông là 48,4/100.000. Ở đây, người dân không được phép lái xe bên ngoài lãng thổ thủ đô Asmara mà không có phép của chính phủ. Hầu hết các con đường bên ngoài đô thị đều không trải nhựa, dân cư nghèo nàn. Gia súc chăn nuôi của người dân thả rông làm tắc nghẽn lối đi, ngoài ra giá xăng còn cao nhất thế giới.
Minh Hy