Dù đang đi công tác nước ngoài nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn nhận được nhiều chất vấn của đại biểu về quy hoạch thủy điện. Có đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của vị “tư lệnh ngành” này.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, 19/11, đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, ở kỳ họp thứ 3 và 4, Nghị quyết của Quốc hội đều yêu cầu Bộ Công thương ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện trong năm 2013, tuy nhiên, Bộ vẫn chưa có chính sách nào cho người dân.
“Đáng buồn hơn, tại kỳ họp này, khi tôi chất vấn bằng văn bản, Bộ Công thương lại cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Không hài lòng, lần thứ hai tôi gửi chất vấn tới Bộ trưởng Công thương, và câu trả lời vẫn là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương”, đại biểu Học nêu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thái Học chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương. |
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhắc lại thực tế, khi kỳ họp khai mạc, người dân miền Trung đang phải đối phó với bão lũ và giờ phút này “bà con ở Nam Trung Bộ đang khốn khổ vì ngập lụt”. Rồi ông kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp căn cơ để giảm thiệt hại về người và tài sản bởi năm nào các vùng này cũng xảy ra bão lũ làm cho đời sống người dân nghèo đi.
Dẫn lại thống kê của Bộ Nông nghiệp rằng mỗi năm bão lũ làm thiệt hại 1/5 GDP, ông Phúc thay mặt cử tri kiến nghị cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi thường xuyên bị bão lũ, quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi.
“Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Phải điều tra, xử lý hình sự, không thể để hàng chục người chết như thế, bao nhiêu tài sản bị thiệt hại mà không ai bị xử lý”, ông Phúc thẳng thắn và đề nghị cần điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng và làm nhà tránh lũ cho người dân.
Bức xúc trước thực trạng “chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang sống trong lũ”, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định, nguyên nhân là do thủy điện.
“Thủy điện giữ nước lại để kiếm vài tỷ đồng, trong khi lũ về thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sao không xả nước từ trước khi bão về? Nếu thủy điện nào không làm thì có thể truy trách nhiệm. Vì lợi ích nhỏ của thủy điện mà để thiệt hại lớn thế là không được”, ông Đương nhấn mạnh.
Về chính sách đồng bào nghèo tái định cư, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát trả lời ngắn gọn rằng sẽ phối hợp với Bộ Công thương để sớm ban hành chính sách. Còn những vấn đề khác, ông Phát sẽ giải trình ở phiên chất vấn chiều cùng ngày.
Do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đang công tác nước ngoài nên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải được chủ tọa phiên chất vấn đề nghị trả lời các vấn đề liên quan đến quy hoạch thủy điện và chính sách cho đồng bào tái định cư thủy điện.
Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội sau các kỳ họp thứ 3, 4, 5.
Theo Phó thủ tướng, đến nay, các nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều nội dung cần phải có thời gian, nguồn lực và tiếp tục thực hiện kiên trì như: quản lý và sử dụng đất đai; xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; quản lý thủy điện; tiêu thụ nông sản; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; quá tải bệnh viện, y đức, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng, xử lý khiếu kiện đông người, trật tự an toàn giao thông…
“Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có việc đã có kết quả bước đầu, song có việc phải tiếp tục thực hiện, Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc phần báo cáo của mình.
42 nghìn tỷ nợ đọng xây dựng
Sau giải lao, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho biết, kỳ họp trước, ông đã chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư về các quy định chi ngân sách và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ đọng song ông chưa nhận được trả lời. Ông băn khoăn liệu rằng trách nhiệm cá nhân đã bị khỏa lấp và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng.
Tương tự, đại biểu Đỗ Văn Đương yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư thống kê bao nhiêu dự án đầu tư bị bỏ hoang.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, số nợ xây dựng cơ bản luôn thay đổi vì công trình được nhà nước trả dần. Năm 2010 đã có thống kê nợ đọng xây dựng là 85.000 tỷ đồng song hiện nay đã giảm xuống còn 42.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi yêu cầu cấp thẩm quyền không ký đầu tư nếu không tìm được vốn, dự án phải thẩm định có đủ tiền mới ký quyết định. Do vậy, thời gian qua tỷ lệ dự án mới khởi công rất thấp.
Tái chất vấn, hai đại biểu Đỗ Văn Đương và Nguyễn Thành Tâm vẫn yêu cầu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh làm rõ trách nhiệm và số các dự án đầu tư không hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Vinh, đánh giá các công trình không hiệu quả, lãng phí là rất khó vì thường phải thanh tra và cần thời gian mới đánh giá được. Nếu có kết quả, Bộ trưởng sẽ báo cáo lại cho đại biểu.
Về trách nhiệm của cá nhân để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho rằng, trong tài liệu gửi đại biểu, cơ quan này có kẹp vào đó các báo cáo kiểm điểm của địa phương và các bộ, song có rất ít người nhận trách nhiệm hoặc nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể. Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ cũng kiểm điểm trách nhiệm Chính phủ, bộ ngành, địa phương vì quyết định công trình song không căn cứ nguồn lực, không làm kế hoạch 5 năm…
“Chúng tôi sẽ làm hết mình song chuyển biến phụ thuộc các địa phương”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Tiến Dũng – Đoàn Loan
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net