Nhà nước không còn thu hồi đất cho các ‘đại gia’
Theo phân tích của ông Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm tiến bộ về quy định thu hồi đất. Nhóm dự án có vốn đầu tư lớn thuộc nhóm A và dự án FDI không còn được hưởng cơ chế nhà nước thu hồi.
Trao đổi với báo chí sáng 3/1, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho hay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã có quy định tiến bộ về thu hồi đất. Ngoài hai trường hợp thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điểm tiến bộ, theo ông Võ, là dù có thu hồi để phát triển kinh tế – xã hội thì cũng đều phải có mũ chung là “vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điểm này tương đối khác biệt với tiêu chí trước đó là “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội”.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai (sửa đổi) chi tiết hóa được tiêu chí để xác nhận “trường hợp thật cần thiết” trong quy định Nhà nước thu hồi đất. Ảnh: N.Hưng. |
Theo phân tích này, luật sửa đổi đã chi tiết hóa được tiêu chí để xác nhận “trường hợp thật cần thiết”. Điều đó có nghĩa, Nhà nước không ra quyết định thu hồi đất cho nhóm dự án có vốn được đầu tư lớn thuộc nhóm A và dự án có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
“Nhà nước chỉ thu hồi theo tính chất dự án chứ không theo phân loại đầu tư – tức là không thu hồi cho các ‘đại gia’. Đổi mới như vậy tạo bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn; bảo đảm sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Võ nói.
Chuyên gia này chia sẻ thêm, kể cả trong tư duy các đại biểu Quốc hội hiện vẫn có suy nghĩ “quá khốc liệt” về thu hồi đất. Ông đề xuất cách làm “mềm” quy định thu hồi ở tầng nghị định theo hướng đưa ra một quá trình để tạo đồng thuận trong dân khi có quyết định về thu hồi đất. Cụ thể là mở ra các cuộc thảo luận với dân, phổ biến thông tin để người dân hiểu được lợi ích trực tiếp, gián tiếp từ dự án.
“Tôi cho rằng nếu làm được như thế thì câu chuyện thu hồi đất sẽ hoàn toàn khác và không bao giờ dẫn đến cưỡng chế, thậm chí kiểm đếm. Chúng ta cần tránh lạm dụng chứ quy định Nhà nước dùng sức mạnh để cưỡng chế như Luật thì khi đọc tôi thấy gai người, nó không thuận về tính nhân bản”, ông Võ nói.
Với quy định về Hội đồng thẩm định giá đất, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu hiểu thẳng thắn thì hội đồng này chỉ có chức năng tư vấn. Quyền quyết định vẫn là thẩm quyền của UBND tỉnh. Vì thế, nếu để quy định này phát huy hết sự tiến bộ thì tới đây, cần có nghị định cụ thể quy định theo hướng giá đất chỉ được quyết định trong khung của hội đồng đưa ra.
Bình luận thêm về văn bản luật sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2014, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhìn nhận, Luật Đất đai sửa đổi đã tiếp thu nhiều kiến nghị theo hướng tích cực, đặc biệt về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ việc mở rộng thị trường bất động sản cho người nước ngoài. Tuy nhiên, ở điểm này cần tính toán thêm đến điều kiện tương đương trong quan hệ ngoại giao – chỉ mở cho nước nào cho phép công dân Việt Nam mua nhà, đất…
Nguyễn Hưng