Breaking News
Home » Tin tức BĐS » Bình Dương 24h » Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử
Nhận ký gửi nhà đất Mỹ Phước 1 2 3 4 VSIP 1, VSIP 2 Bình Dương

Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử

Share Button

Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử

Thuở ban đầu thời mở đất Phương Nam, Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ thì Bình Dương được nâng lên một trong bốn huyện của phủ này. Đất Bình Dương thuở đó nay chủ yếu thuộc địa bàn thành phố hồ Chí Minh, chỉ có một phần vùng Dầu Tiếng, lúc đó là tổng Dương Hòa Hạ thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập nhưng không phải trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia. Và đến năm 1997, tỉnh bình Dương được tái lập, nhưng cũng không phải hoàn toàn là địa phận của tỉnh bình Dương trước năm 1975. Như vậy, trong lịch sử Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chánh lãnh thổ theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau. Do vậy, nói đến cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử chỉ có tính chất tương đối, không thể phân định rạch ròi theo kiểu thống kê hộ tịch của một đơn vị hành chính lãnh thổ cụ thể như hiện hành.
              Bình Dương vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân Đông Nam Bộ. Nhưng đồng thời trung tâm là thị xã thủ Dầu Một với một vùng phụ cận bên bờ sông Sài Gòn có những điều kiện môi trường sinh thái đặt biệt, cư dân Bình Dương cũng có những đặc điểm riêng từ lịch sử hình thành đến kỹ năng nghề nghiệp và lối hành xử trong cuộc sống của mình.
 
 Một ngôi nhà xưa ở Thủ Dầu Một 1920
 
            1.  Những trang sử được lật lên từ lòng đất Bình Dương qua các di tích khảo cổ học như Vườn Dzũ, Cù lao Rùa – Gò Đá, Dốc Chùa đã cho thấy cách đây hàng ngàn năm, con người nguyên thủy đã sinh sống và phát triển trên địa bàn Bình Dương. “Người Vườn Dzũ” (Tân Uyên) là lớp cư dân đầu tiên khai phá vùng đất Đông Nam Bộ nói chung, Bình Dương nói riêng, cách ngày nay đã chục ngàn năm.
            Vào thời kỳ phát triển của xã hội nguyên thủy, trên đất Bình Dương có di tích khảo cổ Cù Lao Rùa – Gò Đá (Tân Uyên). Đó là những khu cư trú của con người tiền sử vào thời kỳ “hậu kỳ đá mới – đầu đồng thau” vào loại lớn nhất của Đông Nam Á. Chủ nhân của nó là những cư dân nông nghiệp dùng rìu, cuốc để rẫy, là một bộ phận quan trọng của cư dân xứ Đồng Nai – Đông Nam Bộ thời tiền sử cách nay 3 đến 4000 năm.
            Cũng trên đất Bình Dương vào thời đoạn cường thịnh của người tiền sử – thời đại kim khí cách ngày nay khoảng 3000 – 2500 năm, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di tích Dốc Chùa (Tân Uyên) là một di tích của khu cư trú lâu dài, một xưởng thủ công đúc đồng có tầm cỡ, một khu mộ táng lớn có sưu tập di vật đồ đồng khuôn đúc nhiều nhất trong toàn vùng Đông Nam Bộ. “Người Dốc Chùa” qua nhiều thế hệ đã có sự giao lưu rộng rãi, đã hoạt động “xuất nhập khẩu” (nhập nguyên liệu, xuất sản phẩm) để phục vụ cho nghề thủ công đúc đồng nổi tiếng nhất vào thời bấy giờ.
            Tóm lại, cư dân tiền sử Bình Dương với những mốc phát triển trên đây là một bộ phận chủ nhân của một trong ba nền văn hoá kim khí nổi tiếng ở nước ta là văn hoá Đồng Nai (vùng Đông Sơn, Sa Huỳnh). Đó là lớp cư dân đầu tiên của Bình Dương nói riêng và của vùng đất Nam Bộ nói chung, cách ngày nay khoảng 4000 – 2500 năm. Rồi vào khoảng trước và sau Công Nguyên, họ đã mở rộng quan hệ với nhiều cộng đồng khác nhau trong khu vực lân cận, mở rộng cuộc khai phá đến vùng châu thổ sông Cửu Long, tạo lập nên nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng ở Nam Bộ.
            Sau 5 – 6 thế kỷ tồn tại và phát triển, những khu cư dân phồn vinh của văn hoá Óc Eo bị chôn vùi trong bùn lầy châu thổ và ven biển Nam Bộ thì vùng Đông Nam Bộ lại nhanh chóng phát triển với nhiều lớp cư dân hỗn hợp, trong đó vùng trung lưu và cả thượng lưu Đồng Nai. Truyền thống văn hoá tiền sử muộn bắt đầu hồi phục trở lại và phát triển trong sự hiện diện của một số cư dân bản địa mà hậu duệ của họ vẫn còn sinh sống ở vùng đất Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên cho đến tận hiện nay. Đó là người Stiêng, Mạ, Châu Ro…
          Ngày nay trên địa bàn Bình Dương được tách ra từ năm 1997, hầu như rất ít người Stiêng, Mạ, Châu Ro sinh sống. Phần lớn họ cư trú ở tỉnh Bình Phước – người anh em sinh đôi của Bình Dương và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa. Tuy vậy, trong lịch sử vùng đất Bình Dương ngày nay đã từng là nơi sinh sống một thời của các dân tộc vừa nêu trên. Qua những truyện kể dân gian mang tính chất hồi tưởng lịch sử quê hương tổ tiên của mình, các dân tộc bản địa hiện đang sinh sống ở miền Đông Nam Bộ thường cho biết địa bàn sinh sống xưa kia của tổ tiên họ là đất gần biển, là những vùng ít núi non. Nhóm người Ta-mun ở sóc 5 xã Minh Hoà và nhóm người Stiêng Budeh còn nói rằng cách đây không lâu, ông cha họ còn ở vùng Thuận An. Rất có thể, họ là thành phần cư dân của “Vương quốc Mạ” trong lịch sử từng tồn tại theo hai bên bờ sông Đồng Nai ở trung lưu và hạ lưu. Và lúc ấy, địa bàn Bình Dương là một trong những vùng lãnh thổ của họ. Sau này, do áp lực của nhiều luồng di dân và do nhiều điều kiện lịch sử xã hội của thời kỳ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, các dân tộc bản địa vùng này đã lùi dần về vùng núi thượng lưu thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên hiện nay.
           2. Vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, lớp cư dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung xiêu tán về vùng Đông Nam Bộ, trong đó có địa bàn Bình Dương tìm vũng đất mới để lập nghiệp. Họ bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau và lìa bỏ quê hương với nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ là những nông dân nghèo khổ không chịu đựng nỗi cơ cực lầm than chốn quê nhà, là những người chạy trốn sự truy đuổi của chính quyền phong kiến, những người trốn lính, trốn thuế v.v… nhìn chung là vì bức xúc của cuộc sống mà bất chấp nguy hiểm đi tìm nơi nương thân, mưu lập cuộc sống mới. Có lẽ ngay từ những năm tháng đầu tiên, Bình Dương là một trong những nơi dừng chân của đoàn quân di cư người Việt cùng với những địa bàn khác nhau như Mô Xoài, Cù lao Phố, Bến Nghé. Bởi ngày ấy, dân di cư thường theo những cửa biển con sông để tìm những vùng đất. Và Bình Dương, đặc biệt là những vùng xung quanh thị xã Thủ Dầu Một – vốn là vùng giáp sông Đồng Nai, sông Sài Gòn là những nơi định cư lý tưởng thuở đầu khai phá.
            Sau khi thiết lập hệ thống hành chính, và sau đó là triều Nguyễn đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút lưu dân đến khai hoang lập làng vùng Gia Định, Đồng Nai. Trong bối cảnh đó,Bình Dương cũng nhanh chóng được khai phá. Theo nhà nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu thì vùng Bình An (đất Bình Dương trước đây) là nơi có nhiều ruộng đất nhất của tỉnh (Biên Hòa), điều đó cho phép đoán định đây là vùng có đông dân cư nông nghiệp nhất. Và xung quanh Thủ Dầu Một sau này như Phú Cường, Lái Thiêu, Phú Lợi hay vùng Tân Khánh, Tân Uyên, Cù Lao Rùa là những xóm làng đông đúc của Bình Dương từ thuở đầu mở nước thời nhà Nguyễn.
 
            Một ngôi chợ làng ở Lái Thiêu 1920
 
            Sau thế kỷ XIX, cư dân Bình Dương đã phát triển nhanh hơn. Đặc biệt trong thời kỳ này, cộng đồng người Hoa di dân đến Bình Dương ngày một đông. Họ đến đây từ Cù Lao Phố – Biên Hoà và từ Bến Nghé – Gia Định. Những làng gốm của người Hoa xuất hiện ở vùng Lái Thiêu, Phú Cường, Tân Uyên với những sản phẩm được tạo ra đã có sự chuyển hóa khá rõ nét (lò của người Hoa Quảng Đông chuyên về tượng trang trí, lò gốm người Hoa Triều Châu chuyên sản xuất đồ gia dụng, còn lò gốm người Hoa Phúc Kiến chuyên sản xuất vật dụng to lớn như lu, khạp v.v…). Cho đến nay, người Hoa ở Bình Dương vẫn tập trung ở một số vùng “định cư truyền thống” của họ như thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu – Thuận An, Tân Uyên. Ngoài nghề buôn bán, họ còn chung thủy với một số nghề truyền thống, mà trước hết là nghề gốm từ thuở ban đầu, tạo nên một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc cho người Bình Dương qua các thời kỳ.
             3. Từ khi tỉnh Thủ Dầu Một được thiết lập thì dân cư ở vùng này đã phát triển nhanh chóng, nhiều ấp, làng mới được hình thành theo sự tăng trưởng của dân cư. Đặc biệt, nhiều làng nghề trên đất Thủ Dầu Một được ra đời, trong đó đáng chú ý nhất là những làng mộc và những cơ sở sản xuất sơn mài. Bình Dương là vùng đất giàu gỗ quý (gõ, cẩm lai, giáng hương,…) nên khi cư dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung-những người vốn có tay nghề kỹ thuật khảm xà cừ trên tủ thờ, ghế dựa tràng kỷ, hương án,… đến sinh sống đã tiếp tục phát triển nghề của mình, tạo nên một nghề độc đáo và nổi tiếng cho Bình Dương. Miếu mộc tổ ở Lái Thiêu, các làng nghề mộc ở Phú Thọ, Chánh Nghĩa là các cụm dân cư độc đáo của Bình Dương. Sau này Pháp mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một, nghề mộc Bình Dương càng có điều kiện phát triển trên cơ sở tiếp thu những kỹ thuật hiện đại, kết hợp với những truyền thống vốn có đã tạo nên những sản phẩm nổi tiếng không những trong nước mà còn cả quốc tế.
            Nghề sơn mài là một thế mạnh của cư dân Bình Dương vốn được những người lưu dân Việt từ Bắc và Trung mang theo khi đến định cư ở vùng đất này. Tương Bình Hiệp ở huyện Bình An xưa vốn là một huyện làm tranh cổ đã tiếp nhận những lưu dân có nghề từ Bắc và Trung vào đây lập nghiệp, dần dần đã trở thành “trung tâm sơn mài” của Bình Dương qua các thời kỳ.
            Một đặc điểm quan trọng khác trong sự biến đổi thành phần dân cư của Bình Dương vào thời kỳ này là sự xuất hiện một đội ngũ công nhân cao su ngày càng nhiều theo chiều mở rộng của các đồn điền cao su của thực dân Pháp trên địa bàn Thủ Dầu Một, Đông Nam Bộ. Từ đầu thế kỷ XX, Thủ Dầu Một đã trở thành tỉnh dẫn đầu về trồng cao su ở Nam Bộ. Theo đó , các làng cao su lần lượt mọc lên trên đất Thủ Dầu Một ngày càng nhiều, nhất là xung quanh các đồn điền cao su nổi tiếng như Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Đa Kia, Quản Lợi, Phú Riềng, Xa Cam, Xa Cát… Dân cao su Thủ Dầu Một đa số là những người nông dân ở miền Bắc, miền Trung (đông nhất là miền Bắc) vốn bị khánh kiệt ruộng đất, thất cơ lỡ vận buộc phải bỏ xứ đi làm “phu công tra” cho các chủ Tây. Và, chính Bình Dương xưa kia là nơi xuất phát đầu tiên phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su đầu tiên với sự kiện “Phú Riềng Đỏ” nổi tiếng.


Nhà máy chế biến mủ cao su ở Thủ Dầu Một 1920

            4. Trong thời kỳ cận hiện đại, bức tranh thành phố dân cư và mật độ dân số Bình Dương không ngừng thay đổi, luôn luôn được bổ sung từ nhiều nguồn, nhiều nơi. Đáng chú ý nhất là đợt “bổ sung dân số” vào năm 1954 từ nguồn di cư của người Việt từ các tỉnh phía Bắc vào và sau này có một số từ miền Trung đến với các chính sách “đinh điền” của chế độ Sài Gòn trước năm 1975. Trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975, sự phân bố cư trú của cư dân Bình Dương cũng có nhiều thay đổi do Bình Dương là một trong những chiến trường ác liệt nhưng sau ngày giải phóng 1975, nhân dân tản cư khắp nơi đã nhanh chóng hồi hương, lấp dần khoảng trống ở các vùng Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng…
             Thêm vào đó, một bộ phận dân cư đi kinh tế mới, khai hoang phục hóa cũng đã đến địa bàn Bình Dương. Trong vòng hơn hai mươi năm sau ngày giải phóng, dân số Bình Dương đã tăng gấp đôi, từ gần 350 ngàn người tăng lên 668 ngàn người (lúc chia tỉnh). Nhưng sự biến động về thành phần dân cư và mật độ dân số ở Bình Dương vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ đáng kể. Tân Uyên và Bến Cát – nơi mật độ dân cư còn thấp nhưng đang hình thành các xí nghiệp công nghiệp, phát triển các vùng lâm trường (cao su, mía, điều, lâm nghiệp,…) sẽ thu hút lao động và cư dân đến.
             Thị xã Thủ Dầu Một đang đô thị hóa, hình ảnh một thành phố trong tương lai đang hiện lên rõ nét, mật độ dân số đã đông nhất nhưng sẽ tiếp tục tăng hơn nữa. Vùng Thuận An – Dĩ An, vốn có mật độ dân cư đã đông, lại là nơi đã và đang hình thành, phát triển các khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn, đang thu hút  nhiều lao động và dân cư khắp miền đến. Tất cả những điều đó sẽ làm cho bức tranh thành phần dân cư của Bình Dương không ngừng thay đổi.


Đại lộ Bình Dương

             5. Như vậy, Bình Dương có được như hôm nay là nhờ công sức của bao thế hệ, bao lớp dân cư. Họ là dân tứ xứ, do nhiều cảnh ngộ, nhiều nguyen nhân khác được dòng đời xô đẩy cuộn chảy về đây, đã tề tựu, hoà hợp xây dựng cơ đồ trên vùng đất mới. Nghề làm gốm sứ được vùng đất giàu cao lanh, đất sét nuôi dưỡng… sự uất ức với cường hào, áp bức được chiến khu D dưỡng dục, nâng cao về chất tinh thần quật khởi. Tất cả những điều đó qua nhiều thế hệ, qua nhiều năm tháng gian truân đã giúp cho những người tứ xứ vốn có gốc nguồn xã hội, lối sống, tính cách khác nhau hòa hợp cùng nhau, hình thành nên con người Bình Dương chịu đựng gian lao anh dũng, năng động và nhạy cảm, thực sự là chủ nhân của vùng đất bán sơn địa với những vùng có tính “thủ hiểm” nhưng lại rất thuận lợi trong giao thông thủy bộ, kề sát như một vùng “ngoại ô” của thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh lớn nhất nước, với những khu công nghiệp, những vùng kinh tế, xã hội phát triển cao.
(PGS – PTS Phan Xuân Biên (1999), “Thủ Dầu Một – Bình Dương Đất lành chim đậu”, NXB Văn nghệ, TP. HCM)
Facebook Comments
Nhận ký gửi nhà đất Mỹ Phước 1 2 3 4 VSIP 1, VSIP 2 Bình Dương
*** Chia se Bai viet len LinkHay.Com Chia se len LinkHay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

Bán nhà đất Mỹ Phước 1 2 3 4 VSIP 1, VSIP 2 Bình Dương
Scroll To Top
Tư vấn trực tiếp
Loading...